Thứ Sáu,19/04/2024    |

Các di tích lịch sử nằm trên địa bàn thị xã Kiến Tường

Đóng
KHU VỰC GÒ BẮC CHIÊNG (Phường 1, Thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) 16/03/2016
Gò Bắc Chiêng nằm ở tả ngạn sông Vàm Cỏ Tây là một trung tâm kinh tế - chính trị - quân sự rất quan trọng của khu vực Đồng Tháp Mười- địa điểm ghi dấu chiến thắng Trận Mộc Hóa 1948 lừng danh.
Vào mùa thu 1948, căn cứ theo yêu cầu của chiến trường, qua nhiều nghiên cứu địa hình, so sánh thực lực hai bên giữa ta và địch, Bộ Tư lệnh Khu 8 chấp thuận cho Ban chỉ huy Trung đoàn 120 phối hợp Tiểu đoàn chủ lực 307 đánh đồn Mộc Hóa, theo chiến thuật “công đồn đã viện”.
Ban chỉ huy trận đánh được thành lập gồm các đồng chí: Nguyễn Chánh – Tham mưu trưởng Khu 8, Chỉ huy trưởng; Lê Quốc Sản – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 120; Đỗ Huy Rừa – Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 307, đã thống nhất đề ra phương án tác chiến như sau:
Trung đoàn 120 (gồm 2 đại đội 1075 và 1080) chịu trách nhiệm tấn công đồn Mộc Hóa.
Tiểu đoàn 307 kết hợp lực lượng bộ đội và du kích địa phương (khoảng một Trung đội), cùng một trung đội công binh của Khu 8 và hơn 500 dân công tham gia chặn đánh quân tiếp viện của địch từ lộ Rồ (Campuchia) đi xuống và chặn đánh tàu địch từ Tân An theo sông Vàm Cỏ Tây đi lên.
Đội hậu cần do lực lượng dân quân và du kích địa phương đảm trách việc vận chuyển lương thực và nước uống từ Vàm Cái Đôi (Tuyên Thạnh) ra trận địa tiếp tế cho các đơn vị chiến đấu.
Sau khi phương án tác chiến được Bộ tư lệnh Khu 8 thông qua, lệnh chiến đấu được triển khai xuống từng đơn vị, từng chiến sĩ. Từ ngày 16/8 đến 18/8/1948, trận Mộc Hóa đã diễn ra như đúng dự kiến của ta.
Tại mặt trận công đồn Mộc Hóa mặc dù không triệt hạ được đồn, nhưng quân ta cũng tiêu diệt được 25 tên địch, làm bị thương 2 tên, bắt sống 6 tên – trong đó có đồn trưởng Louis Bertrand.
Tại mặt trận đã viện: ta đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn địch thu hơn 100 súng các loại, trong đó có 3 cối 60 ly, một số đại liên, trung liên. Khu vực ấp Ông Tờn, mảnh đất giáp biên giới Việt Nam – Campuchia là mồ chôn hàng trăm xác quân thù.
Bằng chiến thuật “công đồn đã viện”, trận Mộc Hóa đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, làm nức lòng quân dân Khu 8, được cả nước ngợi khen, cổ vũ. Đặc biệt, trong lúc quân dân ta đang chiến đấu tại Mộc Hóa, một tổ điện ảnh của Khu 8 đã theo sát các đơn vị quay được nhiều ảnh sinh động của trận đánh và dựng thành bộ phim tư liệu với tên gọi “Trận Mộc Hóa”.
Khu vực Gò Bắc Chiêng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng là di tích lịch sử tại Quyết định số 1308/QĐ-UB ngày 29/7/1994.




Các tin khác:


1

Tìm kiếm