|
Các di tích lịch sử nằm trên địa bàn huyện Châu Thành
KHU VỰC BÓT CŨ (ấp Thuận Hòa 1, xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An)
16/03/2016
|
Khu vực di tích có tên là Bót Cũ thuộc ấp Thổ Mộ, xã Hòa Khánh, quận Đức Hòa. Sở dĩ có tên gọi này là vì nơi đây thực dân Pháp cho xây dựng đồn vào những năm 1946-1947, nhằm đàn áp phong trào cách mạng ở địa phương. Đây là địa điểm Mỹ - Diệm xử chém người đảng viên trung kiên Lê Văn Cảng ngày 6/3/1960. Đồng chí Lê Văn Cảng sinh tại ấp Tân Hòa, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là con thứ 5 của ông Lê Văn Sửu. Trước năm 1940, do tai nạn nên đồng chí có tật ở chân, nhân dân thường gọi là “anh năm Dẹo”, sau khởi nghĩa Nam kỳ, đồng chí đi làm thuê ở sở cao su Dầu Tiếng. Sau cách mạng tháng 8/1945, Lê Văn Cảng về quê sinh sống, lúc này chính quyền cách mạng xã Đức Lập được thành lập nên mời đồng chí tham gia. Suốt thời gian từ 1946-1949, đồng chí là người thầy đầu tiên trong vùng. Đầu 1950, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhiệm vụ là làm công tác văn hóa, giáo dục tại địa phương, bí mật tổ chức lực lượng nồng cốt và trừ gian diệt ác. Đến cuối năm 1959, địch tăng cường đánh phá. Cơ sở Đảng của ta ở địa phương khó lòng giữ được cho nên giải tán. Đồng chí phải bôn ba khắp nơi, cuối cùng do bị chỉ điểm nên bị bắt. Dù bị tra tấn dã man nhưng không khai thác được thông tin nên bọn chúng đem đồng chí Lê Văn Cảng ra xử chém theo luật 10/59. Nhằm khủng bố tinh thần cách mạng của quần chúng tại địa phương, địch đưa đồng chí Lê Văn Cảng xử chém tại Bót Cũ, ấp Thổ Mộ, xã Hòa Khánh ngày 6/3/1960. Di tích khu vực Bót Cũ gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Văn Cảng ngày 6/3/1960, là bằng chứng tố cáo tội ác dã man của bọn đế quốc và tay sai. Đồng thời di tích còn là minh chứng cho tinh thần hiên ngang, khí tiết lẫy lừng của người đảng viên cộng sản, hy sinh để bảo vệ Đảng, phong trào cách mạng. Với những ý nghĩa đó, Khu vực Bót Cũ đã được UBND tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 518/UB-QĐ, ngày 1/2/2000.
|
|
|