|
Các di tích lịch sử nằm trên địa bàn huyện Đức Hòa
KHU HỘI ĐỒNG SẦM (ấp Tân Hòa, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An)
16/03/2016
|
Di tích có tên gọi là “Khu Hội Đồng Sầm” vì hội đồng Sầm là một địa chủ người gốc Bà Chiểu, Sài Gòn, đến khai phá lập đồn điền. Dinh cơ và cơ sở vật chất của tên địa chủ này như kho tàng và rất nhiều nhà cửa thì tập trung ở một nơi khoảng 20 mẫu, mọi người gọi là khu Hội Đồng Sầm nay là ấp Tân Hòa, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Đến cuối năm 1960, toàn tỉnh đã có 260 đồn bót, cuộc đấu tranh hứa hẹn sẽ đầy khó khăn gian khổ. Bối cảnh trên cho thấy đã đến lúc Long An phải thành lập mặt trận cấp tỉnh. Đến tháng 12/1960, tại khu Hội Đồng Sầm (ấp Hòa Tây, xã Bình Hòa Bắc) Mặt trận Dân tộc Giải phóng Long An ra đời đã đáp ứng kịp thời nhu cầu đấu tranh và nguyện vọng của quần chúng. Sau khi thành lập, mặt trận kết thúc bằng buổi mít tinh công khai để ra mắt quần chúng ngay hôm đó. Từ khi Mặt trận ra đời, vấn đề tập huấn, đào tạo cán bộ, được gấp rút tiến hành. Hàng tháng Mặt trận họp, có đề ra nghị quyết chung cho đoàn thể, thành viên bám sát thực hiện và báo cáo kết quả. Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Long An đã trở thành trung tâm đoàn kết tất cả lực lượng yêu nước của tỉnh cùng hòa chung vào nhịp đập của phong trào yêu nước miền Nam. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nói chung – Mặt trận Giải phóng tỉnh Long An nói riêng là một nhân tố quyết định để cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn. Với những ý nghĩa lịch sử đó, Khu hội đồng Sầm đã được UBND tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 1659/QĐ.UB, ngày 22/8/1994.
|
|
|