Thứ Bảy,23/11/2024    |

Các di tích lịch sử nằm trên địa bàn huyện Đức Huệ

Đóng
KHU LƯU NIỆM GIÁO SƯ TRẦN VĂN GIÀU (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) 16/03/2016
Giáo sư Trần Văn Giàu là một nhà cách mạng, nhà giáo ưu tú, nhà nghiên cứu khoa học lỗi lạc, người cống hiến cả cuộc đời cho đất nước đến hơi thở cuối cùng. Di tích bao gồm nhà thờ họ Trần và khu mộ của giáo sư cùng gia tộc.
Trần Văn Giàu sinh ngày 11/9/1911, trong một gia đình trung lưu ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Năm 1925, ông lên Sài Gòn học trường trung học Chasseloup Laubat. Khi Trần Văn Giàu học lên năm thứ ba thì có một phong trào sinh viên rủ nhau sang Pháp. Ông bị cuốn theo cơn sốt này và cũng xin đi Tây. Năm 1928 - 1929 ông sang Pháp và tiếp tục đi học. Năm 1930, Trần Văn Giàu tham gia biểu tình ở Paris, ông bị bắt và bị trục xuất về Việt Nam. Cũng trong năm 1930 ông bí mật gia nhập Đảng cộng sản Đông Dương. Trong khoảng thời gian 1933 – 1945, ông hoạt động tổ chức đấu tranh chủ yếu đào tạo cán bộ ở ngoài cũng như trong tù. Từ ngày 13 đến 15/10/1943, Xứ ủy Nam kỳ họp nhưng không có mặt ông Giàu nên giao chức Bí thư cho ông Dương Quang Đông nhưng nhanh chóng trao lại cho ông Trần Văn Giàu.
Năm 1945, Cách mạng Tháng 8 thành công ở Nam bộ có công lao to lớn của Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Trần Văn Giàu. Năm 1946 – 1948, Trần Văn Giàu được Trung ương điều sang giúp bạn xây dựng lực lượng kháng chiến ở Campuchia. Năm 1949, ông về nước, được cử làm Tổng giám đốc nha thông tin.
Năm 1951, bộ giáo dục chủ trương thành lập Trường Dự bị đại học ở vùng kháng chiến Thanh – Nghệ - Tĩnh rộng lớn, từ một cán bộ chính trị ông Trần Văn Giàu chuyển hẳn sang làm thầy giáo thực thụ, làm giáo sư đại học. Năm 1954, sau khi tiếp quản thủ đô, ông được cử làm khoa trưởng khoa văn – sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Giữa năm 1956, Trường Đại học tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông được cử giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Trường Đại học tổng hợp Hà Nội nhưng vẫn tham gia đào tạo ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Những năm 1962 – 1975, ông công tác tại Viện sử học thuộc Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam. Từ năm 1975, ông tiếp tục nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội.
Với những cống hiến, những công trình nghiên cứu và giảng dạy của mình trên lĩnh vực triết học, sử học và văn học Trần Văn Giàu được phong hàm giáo sư trong lớp giáo sư đầu tiên của nước ta. Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu gợi nhớ về cố giáo sư Trần Văn Giàu mà cuộc đời và sự nghiệp là một tấm gương sáng cho hậu thế. Khu lưu niệm Trần Văn Giàu gồm 2 phần: nhà thờ họ Trần và khu mộ giáo sư cùng gia đình.
Nhà thờ họ Trần: nằm trong khuôn viên vườn Thanh Long, ngôi nhà thờ họ Trần được chính Giáo sư xây dựng vào năm 1995 với diện tích 52,5m2 trên nền ngôi nhà xưa mà cha mẹ ông Trần Văn Giàu xây cất. Nhà thờ được xây cất theo kiểu dáng và chất liệu hiện đại nhưng bên trong được bày trí theo lối cổ truyền rõ nét, thể hiện qua các cặp câu đối, bao lam, bàn thờ…và nhiều vật dụng khác trong khu Nhà thờ.
Khu mộ của Giáo sư cùng gia tộc: khu mộ đặt trong khuôn viên đất nhà, bao quanh là vườn thanh long xanh mát. Khu mộ gồm 6 ngôi mộ: mộ Trần Văn Giàu và vợ Nguyễn Thị Đạo, mộ Trần Văn Nuôi – anh ruột thứ 5 của Giáo sư, mộ song thân Giáo sư, mộ Trần Văn Bái – cháu ruột Giáo sư. Tất cả các ngôi mộ đều xoay theo hướng Bắc, được thiết kế cùng kiểu dáng, chất liệu, màu sắc tạo nên một tổng thể hài hòa, tinh tế.
Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu là nơi gợi nhớ về cuộc đời và sự nghiệp của ông, qua đó thế hệ trẻ phần nào hình dung được bức tranh về xã hội Việt Nam cận hiện đại trong công cuộc chống đế quốc Mỹ của nhân dân Nam Bộ. Đồng thời Khu di tích là một điểm đến lý tưởng cho những chuyến về nguồn – tham quan tìm hiểu lịch sử, văn hóa tỉnh nhà. Với những giá trị hết sức quan trọng đó, Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2680/QĐ.UB, ngày 23/8/2012.




Các tin khác:


12

Tìm kiếm