|
Các di tích lịch sử nằm trên địa bàn thị xã Kiến Tường
ĐỒN ÔNG TỜN (ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, TX Kiến Tường, tỉnh Long An)
16/03/2016
|
Theo các bô lão địa phương địa danh Ông Tờn không biết xuất hiện từ bao giờ, có lẽ ông Tờn là người đầu tiên đến khai khẩn vùng đất này. Khi ông mất đi, vì thương tiếc người đã mở đất, lập làng nên đã lấy tên ông đặt cho vùng đất ông đã khai phá. Gò ông ở được gọi là Gò Ông Tờn. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp theo chân quân Anh trở lại xâm chiếm Việt Nam. Sau khi chiếm được Sài Gòn, thực dân Pháp nhanh chóng đánh chiếm vùng lân cận. Cuối tháng 9/1945, Xứ ủy Nam kỳ chủ trương phát động nhân dân kháng chiến toàn diện, vận động nhân dân lấy nông thôn bao vây thành thị, tiến hành chiến tranh du kích tạo điều kiện kháng chiến lâu dài chống chiến lược “tốc chiến, tốc thắng” của địch. Đồng Tháp Mười được chọn làm căn cứ cho kháng chiến. Các cơ quan lãnh đạo cao cấp như Xứ ủy Nam kỳ, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, Bộ Tư lệnh Khu 8 về đóng ở Bắc Chan. Tháng 7/1946, địch chiếm Mộc Hóa rồi xây dựng đồn ở bờ sông, và đóng hệ thống đồn bót xung quanh, hình thành thế bao vây Đồng Tháp Mười, nhằm mở rộng vùng căn cứ, khai thông hành lang chiến lược tiếp tế lương thực. Trước tình thế đó Bộ tư lệnh Khu 8 quyết định đánh đồn Mộc Hóa bằng chiến thuật “công đồn đã viện”. Ngày 18/8/1948, tiểu đoàn địch từ Campuchia theo lộ Rồ tiến về Mộc Hóa thì bị ta chặn đánh, tuy không tiêu diệt được đồn Mộc Hóa, nhưng ta đã thường xuyên uy hiếp đồn, phần lớn nhân dân bị gom xung quanh đồn lần lượt tìm cách trở về vùng giải phóng. Trước thắng lợi chung của chiến trường, đồn Mộc Hóa bị sức ép mạnh mẽ nên địch phải rút chạy về đóng ở ấp Ông Tờn, xã Bình Hiệp vào giữa năm 1949. Năm 1953, nhằm giải phóng Mộc Hóa, củng cố căn cứ Đồng Tháp Mười, liên kết chiến trường Việt Nam – Campuchia, Ban chỉ huy Tỉnh đội Tân Mỹ Gò (Tân An, Mỹ Tho, Gò Công) sử dụng Tiểu đoàn 307 có tăng cường phân đội hỏa lực và đặc công tỉnh tiêu diệt đồn Ông Tờn. Đồn Ông Tờn được cấu trúc khá kiên cố, tường dày, châu mai sát mặt đất, kẽm gai, trang bị vũ khí hiện đại, lực lượng gồm quân Khơ-me, Pháp và một số người Việt làm phiên dịch. Sau khi bị tấn công đồn bị cháy rụi gần hết, nhưng vài tên vẫn cố thủ ở hầm ngầm, bộ đội ta không tiến vào được nên đã rút lui. Tuy không chiếm được đồn nhưng ta đã phá hủy phần lớn đồn này. Sáng hôm sau, một lực lượng từ Soài Riêng tiếp viện cho đồn, 10 ngày sau thì chúng rút khỏi đồn về cầu Sư Đạo thuộc huyện Rồ đóng một đồn mới. Với những sự kiện trên, Đồn Ông Tồn đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 1308/QĐ.UB, ngày 29/7/1994.
|
|
|