|
Các di tích lịch sử nằm trên địa bàn thành phố Tân An
ĐÌNH XUÂN SANH (Khu phố Xuân Hòa 2, phường VI, TP Tân An, tỉnh Long An).
16/03/2016
|
Là ngôi đình làng được xây dựng khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, có tên nguyên thủy là đình Xuân Sanh – theo tên thôn này từ thuở khai hoang mở đất. Đình Xuân Sanh là nơi hội họp, lễ hội của dân làng, ngoài ra đình còn đảm nhận chức năng hành chính, xã hội của chế độ tự trị của làng, xã. Đây còn là nơi ghi dấu các sự kiện lịch sử ở địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đình Xuân Sanh nay gồm 3 gian nhà nối tiếp nhau theo thứ tự: Võ Ca: là nơi diễn ra hát bội trong các dịp lễ hội của đình. Ngày nay, không còn kinh phí hoạt động nên lệ này hầu như không còn nữa. Chánh điện: là một ngôi nhà theo kiểu tứ trụ và cũng như những đình thần khác thì Đình Xuân Sanh cũng thờ Thần Thành Hoàng. Nhà bếp: được xây dựng khá khiêm tốn, dùng làm nơi nấu nướng trong các dịp tế lễ của đình. Ngoài ra, trước sân đình còn có bàn thờ Thần Nông và miếu thờ Thần Hổ, được xây dựng cùng thời với việc lập đình. Hiện nay, đình Xuân Sanh còn giữ hai sắc phong thần của vua Thiệu Trị năm 1845 và vua Tự Đức năm 1852. Hàng năm, đình Xuân Sanh diễn ra 03 lễ hội chính: hạ điền, cầu bông, kỳ yên (cầu an). Các nghi lễ tiến hành và hình thức cúng theo tập tục truyền thống, cổ truyền như các đình Nam bộ. Tuy nhiên, nghi thức buổi lễ được gia giảm và đơn giản hơn. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp Đình còn là nơi luyện tập thường xuyên của thanh niên sẵn sàn chờ ngày khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Sang thời chống Mỹ, đình là nơi luyện tập của đội tuyên truyền địa phương, không chỉ thế đình còn là một trong những địa điểm dừng chân của các cán bộ hoạt động trên địa bàn Thủ Thừa. Gắn liền với quá trình khai hoang mở đất, nơi bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống, là trung tâm văn hóa của làng trong quá khứ. Sắc phong thể hiện sự quản lý của nhà nước phong kiến đối với thiết chế văn hóa và bộ máy quản trị làng, xã. Qua đó sắc phong còn là một tài liệu chữ Hán rất có giá trị, phục vụ cho việc nghiên cứu văn hóa phong kiến và cổ văn Hán tự. Với những ý nghĩa lịch sử quan trọng đó, Đình Xuân Sanh đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2749/QĐ-UBND, ngày 30/10/2007.
|
|
|