Thứ Năm,21/11/2024    |

Các di tích lịch sử nằm trên địa bàn huyện Tân Hưng

Đóng
GÒ GÒN (ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) 16/03/2016
Gò Gòn là một vùng đất cao nằm ở vùng rìa Đồng Tháp Mười. Từ năm 1958 - 1960, cha con địa chủ Lê Văn Tồn, Lê Phước Hữu dựa vào thế lực của ngụy quyền và bọn bảo an, dân vệ địa phương, tiến hành cướp đoạt số ruộng đất mà chính quyền cách mạng đã cấp cho nông dân trong chín năm kháng chiến chống Pháp. Trước tình hình trên, Tỉnh ủy Kiến Tường quyết định đưa Đơn vị 402 cơ động tỉnh về phối hợp Đơn vị 408 đang hoạt động tại Vùng 8 tìm cách tiêu diệt bọn bảo an, dân vệ trong vùng, trừ khử những tên địa chủ, ác ôn, đột nhập những khu “dinh điền”, khu “trù mật”, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá các khu gom dân của địch.
Khoảng 4h sáng ngày 2/2/1960, Đơn vị 408 bố trí một tiểu đội phục kích tại sân lúa nhà một tên địa chủ ở ấp Ba Gò, xã Hưng Điền chặn đánh một tiểu đội bảo an từ sông Trăng kéo sang, diệt được một tên địch, thu một súng. Sau đó, quân ta rút về nhập cùng Đơn vị 408 và Đơn vị 402 đang phục kích ở đường xe ấp Kinh để đánh bọn địch đi tiếp viện. Chờ địch lọt vào trận địa, lực lượng ta nổ súng diệt 8 tên, thu 7 súng. Sau hai trận đánh trên, quân ta rút về đóng tại Gò Gòn (lúc đó thuộc địa bàn xã Vĩnh Thạnh). Bảy giờ sáng ngày 3/2/1960, ban chỉ huy Đơn vị 402 và 408 đang họp bàn rút kinh nghiệm các trận đánh ngày 2/2 thì nhận được tin báo của trinh sát và thanh niên địa phương là địch đang từ ấp Cả Bát hành quân bằng xuồng, tàu, đổ quân vào Gò Gòn tìm diệt lực lượng ta. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy trận đánh cấp tốc thành lập. Chỉ huy Đơn vị 402 với hơn 50 chiến sĩ là các đồng chí Lương Chánh Tồn, Tám Hữu, Sáu Nhỏ. Chỉ huy Đơn vị 408 với hơn 40 chiến sĩ là các đồng chí Hồ Ngọc Dẫn, Hồng Tâm. Trực tiếp chỉ huy khẩu đội cối là các đồng chí Sáu Một. Ngoài ra, còn có lực lượng du kích xã Vĩnh Thạnh với khoảng 2 tiểu đội cũng được huy động tham gia trận đánh.
Lúc Ban chỉ huy đang cấp tốc bàn kế hoạch đối phó với địch, thì được tin chúng đã tiến đến Gò Rộc Chanh với quân số rất đông (sau này qua khai thác tù binh, ta mới biết đây là tiểu đoàn chủ lực Ó Đen phối hợp đại đội bảo an quận Tuyên Bình). Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đang có mặt tại Gò Gòn đều thể hiện lòng quyết tâm vào trận, nhanh chóng triển khai đội hình ém quân chờ địch đến. Trận địa phục kích nằm ở phía Nam Gò Gòn. Lực lượng ta bố trí địa hình xong thì địch cũng vừa xuất hiện. Đại đội địch đi đầu dàn hàng ngang tiến vào, cử một trung đội bò lên chiếm gò cao. Chờ cho địch vào trận địa khoảng 20m ta mới nổ súng. Đơn vị 408 phục kích chính diện, Đơn vị 402 đánh thọc sườn, khẩu cối 60 ly bố trí ở phía sau. Sau 15 phút nổ súng, quân ta đồng loạt xung phong. Địch hoảng hốt tháo chạy, bị ta truy kích đến Gò Rộc Chanh. Sau hơn 3h chiến đấu, ta đã giành được thắng lợi to lớn. Chiến thắng Gò Gòn thật sự gây tiếng vang, nhất là trên mặt chính trị - tư tưởng đối với quân dân Vùng 8 nói riêng và căn cứ địa Đồng Tháp Mười nói chung.
Gò Gòn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 499/QĐ-UB, ngày 27/2/1997.




Các tin khác:


1

Tìm kiếm