Đoàn chúng tôi có dịp đến thăm Đồn biên phòng Bình Hòa Tây trong những ngày tháng Tám lịch sử. Cách trung tâm thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An 20km, chạy dọc theo con đường sỏi đá nối liền 2 xã biên giới Bình Hòa Tây (huyện Mộc Hóa) và Thạnh Trị (thị xã Kiến Tường) là những ngôi nhà nhỏ, những cánh đồng lúa mênh mông, đồn biên phòng Bình Hòa Tây hiện lên bên cạnh sự uy nghiêm vốn có còn chứa đựng sự ấm áp, thân tình của những người lính nơi đây.
Trong cái ấm áp nghĩa tình của tình quân dân, chúng tôi được nghe các anh, các chú kể lại những câu chuyện hào hùng của thời chiến gợi nhớ thời kỳ gian khổ mà oanh liệt, vẻ vang của dân tộc; bên cạnh những câu chuyện lịch sử chúng tôi còn được biết thêm về cuộc sống thường ngày của những người lính, đa số các anh còn rất trẻ, lại xa nhà nhưng ánh mắt lúc nào cũng ánh lên niềm tự hào và quyết tâm giữ gìn tất đất biên cương.
Trong câu chuyện của anh Luyện- Đồn phó Đồn biên phòng luôn nhắc đi nhắc lại với chúng tôi rằng sự nghiệp cách mạng chỉ có thể thành công khi chúng ta biết dựa vào dân mình, mọi chiến công có được ngày hôm nay đều là nhờ vào sự góp công, góp sức của người dân quê hương. Cô Hồng – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã kể về những ngày nhân dân cùng với bộ đội ngăn chặn người Campuchia xâm nhập trái phép vào lãnh thổ tại cột mốc 203, những ngày cô cùng các chị em trong xã tất bật, thức thâu đêm nấu cơm nếp, chuẩn bị lương thực cho các anh bộ đội yên tâm bảo vệ quê hương. Câu chuyện qua lời kể của cô nhẹ như một làng gió nhưng chứa đựng biết bao nhiêu tình cảm của người dân đối với những người chiến sĩ và hơn hết đó là tình cảm của những người con đối với đất mẹ quê hương.
Mặc dù đời sống chiến sĩ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng khi nói chuyện với chúng tôi, chú Lôi - Đồn trưởng Đồn biên phòng tâm tình rằng nếu các cháu muốn giúp anh em ở Đồn và xã Bình Hòa Tây, chúng tôi chỉ xin sách, nhất là sách về pháp luật để chúng tôi tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân quê mình hiểu biết hơn về pháp luật. Chỉ cần người dân hiểu biết pháp luật thì công việc của chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn phần nào, đời sống của người dân cũng sẽ nâng lên! Nghe câu nói của chú, chúng tôi hiểu rằng đó không chỉ là sự “giúp đỡ” mà còn là trách nhiệm, bổn phận của chúng tôi- những công chức của ngành Tư pháp.
Sẽ còn rất nhiều chuyện kể về chiến công ở Đồn biên phòng Bình Hòa Tây, đây là những câu chuyện rất nhỏ, rất đời mà Đoàn chúng tôi có cơ hội được biết qua tiếp xúc, gặp gở với các anh. Trên đường trở về, bước chân của người trẻ chúng tôi như có thêm nguồn năng lượng của tình yêu tổ quốc, yêu đồng bào và chúng tôi hứa sẽ luôn quyết tâm hơn nữa, làm việc thật nhiều hơn nữa để xứng đáng với những hy sinh, vất vả mà chiến sĩ, đồng bào vùng biên giới đã ngày đêm canh giữ bảo vệ nền hòa bình, độc lập cho quê hương, đất nước mình./.
ĐTN Sở Tư pháp