Cách đây trên 300 năm cùng với công cuộc khai khẩn đất Nam Bộ, những lưu dân người Việt đầu tiên đã đặt chân đến vùng đất Cần Đước hiện nay. Cùng với lưu dân còn có những nhà sư người Việt và người Hoa đến truyền đạo tại vùng đất xa xôi này. Đối mặt với những khó khăn, trắc trở cùng điều kiện môi trường hoàn toàn xa lạ, muốn tồn tại những người Việt này không những phải có tinh thần quyết tâm, sự cần cù mà còn phải có một chỗ dựa tinh thần. Phật giáo đã đáp ứng được nhu cầu của họ. Chính vì thế, những ngôi Am, Tự đầu tiên bằng lá, tre do các nhà sư dựng nên nhanh chóng trở thành nơi để các tín đồ lui tới. Khi người định cư tương đối đông, đời sống ổn định hơn, những ngôi chùa to lớn nguy nga bắt đầu xuất hiện trong đó có Chùa Phước Lâm
Vào năm 1880, một lương y kiêm điền chủ ở làng Tân Lân là ông Bùi Văn Minh, đã đứng ra dựng chùa này vừa thờ Phật vừa làm từ đường cho dòng họ Bùi. Chùa có tên chữ Hán là Phước Lâm Tự, tuy nhiên, dân gian thường gọi là Chùa Thầy Miêng do lệ cử tên húy ông Minh. Vì có công với làng nên sau khi ông Minh mất được dân làng tôn làm hậu hiền và đưa vào phối tự trong đình Tân Lân.
Nếu còn nguyên như thuở ban đầu, chùa Phước Lâm có hình chữ Xuyên (///) ngôi chùa gồm Chánh điện - Tổ đường và Đông lang, Tây lang. Nhưng do chiến tranh tàn phá, Tây lang đã bị phá hủy hoàn toàn, một phần của Đông lang còn lại được dùng làm nhà trù của chùa. Nhìn chung chùa Phước Lâm có một tổng thể khá hài hòa. Cả Chánh điện và Tổ đường đều có kiến trúc theo kiểu xuyên trích cột kê, có hai mái và hai chái hai bên. Chùa có tất cả 40 cột tròn bằng gỗ và 32 cột gạch đỡ lấy toàn bộ khung sườn cứng cáp, lòng nhà rộng rãi. Tường được xây bằng gạch và vữa tam hợp dày 0,2m, ở mỗi đầu cột gạch và phía trên các cửa sổ, cửa cái đều có đắp nỗi hoa văn trang trí.
Nội thất Chánh điện chùa Phước Lâm còn giữ được những nét cổ kính dù trải qua nhiều lần trùng tu với hơn 40 tượng Phật, Bồ Tát, Ngọc Hoàng, Thị Giả, Thập Điện Diêm Vương, Thiện, Ác, Hộ pháp, Kim Cương…và nhiều bộ bao lam, hoành phi, liễn đối được sơn son thếp vàng rực rỡ. Đa số tượng Phật có chất liệu gỗ, đồng được chế tác từ thế kỷ XIX với một phong cách nghệ thuật mang đậm nét văn hóa Phật giáo Nam Bộ.
Nơi đây còn có một pho tượng rất đặc biệt tượng tạc một vị Bồ Tát mình mặc áo cà sa, trên tay cầm phất trần, đang ngồi trên long mã bằng gỗ.
Trong chánh điện của chùa, ngoài thờ Phật còn thờ Thánh Mẫu, thờ các vị Anh hùng dân tộc… lối thờ tự này nói lên lòng biết ơn của nhiều thế hệ đối với các vị tiền nhân khai hoang lập thất, nêu cao đạo lý” uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” – một truyền thống đạo lý cao quý của dân tộc Việt Nam
Chùa Phước Lâm được Bộ Văn Hóa Thông tin ra quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2001.
Chùa Phước Lâm là nơi lưu giữ những tư liệu chữ Hán hết sức phong phú, đa dạng qua các cặp liễn đối và hoành phi. Nơi được những người chiến sĩ hoạt động cách mạng chọn làm địa điểm cách mạng trong hai thời kì chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây còn là tiêu biểu cho một dạng chùa đặt biệt ở Nam Bộ, đó là dạng “ cải gia vi tự” của những người hiếm muộn và giàu có vì sự sùng dạo mà hiến tài sản của mình cho cửa Phật.
Bài Viết: Trang