Cách đây 70 năm, lần đầu tiên qua làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc thơ chúc Tết quốc dân đồng bào.
Bác Hồ có 21 bài thơ chúc Tết giản dị, súc tích nhưng có sức lay động lòng người. "Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân" ấy đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị, cho dù Bác đã đi xa. Để mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân Việt Nam lại cảm nhận rõ ràng hơn những điều ý nhị sâu xa trong từng lời thơ chân thành, giản dị ấy.
Khi đất nước còn chiến tranh, các phương tiện thông tin đại chúng còn hạn chế thì phát thanh là kênh truyền thông hiệu quả, liên tục đến đồng bào cả nước. Và tất nhiên, mỗi dịp Tết đến xuân về, giao thừa là thời khắc mọi người ai cũng hồi hộp chờ nghe Bác Hồ chúc Tết qua làn sóng Đài TNVN. Những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài mặt trận cũng quây quần bên nhau nghe Bác đọc thơ chúc Tết để không chỉ nắm được tình hình năm qua, biết phương hướng năm tới, thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn để biết được sức khỏe của Bác ra sao!
Với nhà thơ Vương Trọng, năm tháng tuổi thơ của ông đi qua gắn liền với những khoảnh khắc giao thừa được nghe thơ chúc Tết của Bác: "Lúc còn ở quê, làng tôi may mắn gần một sư đoàn bộ đội nên đã ròng dây hơn 1 cây số, mắc 1 cái loa từ sư đoàn về. Tối thứ 4 khoảng 9h rưỡi, chúng tôi tập trung để nghe tiết mục "Tiếng thơ". Còn tối thứ 7 thì nghe "Sân khấu truyền thanh". Đặc biệt là đêm Giao thừa, chơi gì thì chơi nhưng đến lúc Giao thừa đều tập trung dưới cột trại để nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ".
Thuộc khá nhiều câu Kiều, lại tinh thông thơ lục bát nên thơ của Bác Hồ thường dễ hiểu, bố cục chặt chẽ, chuẩn về vần điệu; Lại là người đứng đầu đất nước, nên nội dung trong thơ Bác luôn mang tính dự báo cao, khẳng định mục tiêu cao cả của cuộc kháng chiến mà Người đang lãnh đạo là độc lập, tự do cho dân tộc, là cơm no áo ấm, là hạnh phúc cho mỗi người.
Chúc Tết đồng bào nên từng lời thơ của Bác đều rõ ràng, giản dị mà cương quyết, khẳng định tinh thần, khí thế quyết tâm của quân và dân ta. Như bài Thơ chúc Tết xuân Kỷ Dậu 1969 - một trong ba bài thơ chúc tết của Bác được viết bằng thể thể lục bát truyền thống gồm sáu câu: "Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn". Bài thơ còn được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc rất hay nên càng có giá trị động viên khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta.
Nhà thơ Vương Trọng kể lại: "Lính chúng tôi không những được nghe Bác Hồ đọc mà còn được nghe tốp ca của Đài Tiếng nói Việt Nam hát bài hát phổ thơ Bác Hồ nên ý nghĩa của nó lại càng tăng thêm nữa. Không phải cái gì cũng có thể nói trước trong thơ, bởi vần điệu nhưng Bác Hồ đã nói rất chính xác. Cương lĩnh của chúng ta là trước hết đánh cho Mỹ cút. Lúc ấy dùng chữ "Cút" là rất đúng, để Mỹ không can thiệp được vào cuộc chiến tranh này nữa. Đó là bước thứ nhất, còn bước thứ hai mới "đánh cho Ngụy nhào". Sau này cách mạng Việt Nam đã xảy ra đúng như vậy.
Nhìn lại những năm kháng chiến gian khổ, những bài thơ chúc Tết của Người như những lời hiệu triệu, được truyền tải qua một loại hình báo chí hữu hiệu nhất lúc bấy giờ là báo nói. Cũng bắt đầu từ tết Đinh Hợi 1947, đọc thơ chúc Tết trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành một nét đẹp của phong cách Hồ Chí Minh. Thơ chúc Tết của Bác luôn được nhân dân đón chờ trong đêm Giao thừa đón năm mới.
Nhà báo Trần Đức Nuôi, nguyên phóng viên Đài phát thanh giải phóng A cho rằng: ý nghĩa sâu xa trong những bài thơ chúc Tết của Bác Hồ là tạo ra niềm hứng khởi, lạc quan, tin tưởng trong năm mới: "Hàng năm, Giao thừa vẫn có lời chúc Tết của Chủ tịch nước. Nhưng để có được một dòng thơ, hồn thơ có tính sấm truyền như thế thì chỉ có Bác Hồ thôi. Tinh thần của đầu năm mới với nhiều thắng lợi, niềm tin và nhiều suy nghĩ để hành động thì lại bắt nguồn từ trong lời thơ của Bác Hồ".
Đã có một thời, lắng nghe thơ chúc Tết của Bác trong đêm giao thừa là thói quen của toàn thể quốc dân đồng bào. Dù người già hay trẻ, dù công nhân lao động hay cán bộ, chiến sĩ đang ở chiến trường, ai ai cũng thấy ấm lòng, tăng thêm niềm tin khi được nghe giọng nói ấm áp, thiết tha, truyền cảm từ những vần thơ của Người qua làn sóng Đài TNVN. Và cả khi Bác không còn nữa thì món quà tinh thần vô giá giữa thời khắc thiêng liêng ấy vẫn luôn là điều gì đó rất thiêng liêng, nghe như tiếng của non nước, tiếng của ngàn xưa vọng lại, nhắc nhở lớp lớp cháu con hôm nay biết trân trọng những giá trị quý báu của độc lập tự do, của đoàn kết, hòa bình!
Theo VOV