Thời gian qua, Đại hội đảng bộ các cấp của Đảng và đặc biệt là Đại hội XIII đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cùng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, rồi bão lũ miền Trung diễn biến phức tạp, đồng thời đất nước ta phải đảm đương và thực hiện những trọng trách, nhiệm vụ quan trọng với khu vực và thế giới, nhưng với quyết tâm chính trị rất cao, nỗ lực rất lớn, hành động quyết liệt trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp đúng tiến độ, đáp ứng được mục tiêu yêu cầu đặt ra, bảo đảm tuyệt đối an toàn, tiết kiệm và để lại nhiều dấu ấn tình cảm sâu sắc tốt đẹp trong nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bên cạnh những thuận lợi, Đảng ta cũng gặp không ít những khó khăn khi tổ chức đại hội. Một trong những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt đó là hành động chống phá của các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị trong nước, đặc biệt là sự chống phá trên không gian mạng bằng việc lan truyền các thông tin xuyên tạc, xấu độc. Đây là khó khăn chúng ta phải đối mặt từ đại hội cấp cơ sở đến cấp Trung ương. Ở mỗi cấp tính chất phức tạp và tinh vi lại ở các cấp độ khác nhau. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông thì trong năm 2020 vừa qua đã thực hiện giám sát không gian mạng, chủ động rà quét, phát hiện và gỡ bỏ các thông tin xấu độc và đã xóa bỏ hơn 400 trang thông tin giả mạo, 4500 tin và 30.000 video xấu độc trên nền tảng Facebook, YouTube. Số lượng các thông tin xấu độc vì thế mà đã giảm đáng kể. Đặc biệt, thời gian qua Nhà nước chúng ta đã đưa ra ra các sức ép thông qua việc hoàn thiện các thể chế pháp lý như Luật An ninh mạng, Luật Công nghệ thông tin, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí,... kết hợp các biện pháp kiểm soát về mặt công nghệ nghệ, từ đó đã có sự chuyển biến nhất định về việc tuân thủ pháp luật khi hoạt động tại Việt Nam của các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.
Trong hội nghị đánh giá việc tổ chức đại hội các cấp vừa qua của Ban Chấp hành Trung ương, không ít những ý kiến xoay quanh những vấn đề này mà chúng ta phải đối mặt. Theo các quan chức năng thì có đến 80% các thông tin xấu độc tập trung vào việc bôi nhọ xuyên tạc công tác cán bộ của Đảng, đáng lo ngại hơn cả là những thông tin bịa đặt, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, hạ thấp uy tín cá nhân các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cấp, các đồng chí Ban Bí thư, các đồng chí Trung ương và kể cả các đồng chí được quy hoạch Trung ương. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng Đảng cầm quyền là dựa trên niềm tin của nhân dân, niềm tin ấy hướng tới những đảng viên cụ thể, nhất là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Niềm tin ấy nếu mất đi sẽ không còn vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền, bào mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước ta, là cơ hội cho đích tấn công của kẻ địch.
Có thể nói rằng thời gian qua, chúng ta đã từng bước phổ cập internet, đã mang điện thoại thông minh chạm đến mọi ngõ ngách của cuộc sống và được rất nhiều người dân sử dụng, tạo cho cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn nhờ công nghệ và kinh tế số. Nhưng cũng từ đó mà xuất hiện không ít những mặt trái và trên thực tế các vấn đề tiêu cực chủ yếu xuất phát từ những nền tảng công nghệ xuyên biên giới, các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube,... Thông tin chống phá Đảng, chống phá nhà nước và chế độ, thông tin mang tính vu khống, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc mạo danh xuất hiện ngày càng nhiều đây trên không gian mạng. Những thông tin chống phá thường được các đối tượng chống phá đưa ra một cách giật gân, thu hút, kích thích sự tò mò, làm tăng mức độ phát tán rộng rãi của thông tin. Đây là vấn đề mà chúng ta đã và đang phải đối mặt. Khác với cách thức truyền thống, kẻ thù trên không gian mạng luôn tranh thủ từng phút từng giây, trên từng loại thiết bị mà chúng ta sử dụng để tuyên truyền chống phá. Một sự thật không thể phủ nhận là thông tin truyền thông có sức tác động và ảnh hưởng rất lớn đối với tư tưởng nhận thức tình cảm từ đó sẽ dẫn đến thay đổi những nhận thức và hành động của mọi người. Vì thế mà thời gian qua các thế lực thù địch đã lợi dụng triệt để vấn đề này.
Theo nhận định của các các cơ quan chức năng, khoảng thời gian trước và sau kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng, các thế lực thù địch luôn lợi dụng để đẩy mạnh hoạt động chống phá với tính chất công khai, trực diện và trắng trợn. Đảng, Nhà nước ta cần phải có nhiều biện pháp để đối phó và giải quyết vấn đề này để từ đó phá tan âm mưu chống phá của các thế lực thù địch cả trong lẫn ngoài nước. Chúng ta cần tập trung sức mạnh của cả hệ thống chính trị, kêu gọi sự đồng lòng của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan có vai trò quan trọng như Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đoàn Thanh niên, các cơ quan báo chí, truyền thông, các cơ quan có thẩm quyền khác trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Thêm vào đó, mỗi đảng bộ, chi bộ, cơ sở Đảng, cơ sở Đoàn cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền trong cơ quan, đơn vị mình. Một mặt đẩy mạnh tuyên truyền về thành tựu của Đảng ta, của Cách mạng Việt Nam ta trong 35 năm đổi mới, cùng với 30 năm thực hiện Cương lĩnh, 15 thực hiện Cương lĩnh bổ sung phát triển và thành tựu 5 năm qua mà đất nước ta đã đạt được. Mặt khác, thông qua tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, chủ động dự báo đúng tình hình, cung cấp thông tin định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận của cán bộ đảng viên, đoàn viên, thanh niên và toàn xã hội về chủ trương và đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc điều hành, quản lý đất nước.
Thứ hai, tập trung xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng tổ chức Đoàn là cánh tay đắc lực của Đảng. Đặc biệt phải phát huy vai trò trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ đảng viên chủ chốt, cán bộ đoàn nòng cốt. Quán triệt sâu sắc và giữ vững 6 quan điểm chủ trương được nêu ra trong bài viết của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về chuẩn bị tổ chức Đại hội XIII. Trong đó chú ý nguyên tắc: kiên định đường lối; kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc; kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo; kiên định về con đường bảo vệ Tổ quốc Chủ nghĩa xã hội của chúng ta trong tình hình mới.
Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo, phát huy vai trò của các cấp ủy, cán bộ chủ trì trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Đây là nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm của công tác bảo vệ chính trị nội bộ là bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đảng. Sự nghiệp đổi mới gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với tục đẩy mạnh việc chỉnh đốn Đảng và kiên quyết đấu tranh các quan điểm quan liêu, tham nhũng, lợi ích nhóm, các biểu hiện tự suy thoái, tự diễn biến trong nội bộ của chúng ta. Cảnh giác với âm mưu phá hoại gây rối nội bộ của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị tìm mọi cách chia rẽ, tung tin xấu độc.
Thứ tư, công tác đấu tranh của chúng ta phải đồng bộ cả ba nhóm giải pháp: nhóm giải pháp về hành lang pháp lý để quản lý, nhóm giải pháp về kinh tế, và nhóm giải pháp về kỹ thuật. Chúng ta có luật pháp trong tay, nhưng cũng phải có công nghệ trong tay. Chúng ta có lực lượng các cơ quan có thẩm quyền theo dõi xử lý, nhưng cũng phải có sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Chúng ta có kỹ thuật ngăn chặn thông tin xuyên tạc để bảo vệ chủ quyền, nhưng cũng phải có giải pháp công nghệ nội bộ trong nước đủ tầm để thay thế các nền tảng xuyên biên giới nhằm phục vụ nhu cầu thông tin của người dân. Chúng ta đón chào mọi doanh nghiệp đến Việt Nam, nhưng nếu họ có hành vi vi phạm luật pháp thì phải nghiêm trị, không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay là nước ngoài. Bất cứ doanh nghiệp công nghệ nào, bất cứ nền tảng công nghệ xuyên biên giới nào mà hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thì phải tuân thủ thủ pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan có chức năng kiểm tra giám sát, xử lý của các cấp có thẩm quyền phải có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời để ngăn chặn sự lan truyền của các thông tin chống phá.
Thứ năm, đứng ở góc độ mỗi cá nhân cán bộ đảng viên, đoàn viên, thanh niên có không ít người cũng bị ảnh hưởng bởi các thông tin xấu độc gây khi ra tình trạng “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, trong khi đó lại thiếu thông tin chính thống dẫn đến đôi lúc không tự nhận thức được đâu là thông tin thật, đâu là thông tin giả, bị thông tin xuyên tạc dẫn dắt. Do đó phải ngăn chặn từ ngay đội ngũ cán bộ đảng viên, đoàn viên, thanh niên, phải bồi dưỡng, hướng dẫn nâng cao nhận thức để phòng ngừa, đồng thời hạt nhân tích cực lan tỏa những thông tin chính thống tới quần chúng nhân dân, đập tan sự nghi ngờ của quần chúng nhân dân vào các thông tin xấu độc.
Thứ sáu, mỗi doanh nghiệp, mỗi tổ chức cần có trách nhiệm hơn trong việc truyền thông trên không gian mạng, cần tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp lý của Việt Nam, thông tin đến cộng đồng những thông tin chính thống, từ đó góp phần vào việc định hình và cổ vũ những xu hướng tích cực trong đời sống xã hội.
Cuối cùng, mỗi người dân, mỗi cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên cần phải tự mình mình nâng cao sức đề kháng ảnh trước các thông tin xấu độc, phải nắm được các thông tin về thủ đoạn của các thế lực thù địch hay sử dụng để chống phá hiện nay, cần tỉnh táo và suy nghĩ thật kỹ khi đón nhận các thông tin trên các nền tảng công nghệ trực tuyến.
Cảnh giác trước các thông tin xuyên tạc, chống phá là điều mà Đảng, Nhà nước ta và xã hội chúng ta đều mong muốn. Tuy nhiên không phải cứ mong muốn cảnh giác là được vì thủ đoạn của ccác thế lực thù địch ngày càng tinh vi. Các cơ quan chức năng phải quyết tâm ngăn chặn, đồng thời phải coi việc đưa thông tin kịp thời đến nhân dân là trách nhiệm của mình, thông tin chậm sẽ chỉ tạo cho các thế lực chống phá sẽ lợi dụng để phát tán thông tin xấu độc. Một điều quan trọng nữa, đó là không phải ai cũng phải tự đề kháng được trước những thông tin trên mạng, hơn ai hết cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên là những người tỉnh táo hơn cả, công tác cán bộ hay đánh giá cán bộ không thể dựa vào các thông tin trên mạng mà phải dựa vào các thông tin từ các cơ quan chức năng và của những tiếng nói có tính chất xây dựng từ phía nhân dân. Nếu bị mạng xã hội dẫn dắt, thì mỗi chúng ta đã và đang bị “tha hóa” bởi các thông tin xấu độc, từ đó “tự diễn biến, tự chuyển hóa”./.
ĐCS Trường Chính trị