Thứ Tư,30/10/2024    |

Tuyên truyền kết quả 2 năm thực hiện chỉ thị 03/CT-TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị

Đóng

Học tập và làm theo Bác

Đọc lại Thư của Bác Hồ gửi Thanh niên năm 1947 22/03/2023

Nhân kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2023), tôi xin được phép được chia sẻ với các đồng chí Bức thư mà Bác Hồ viết gửi các bạn thanh niên vào ngày 17 tháng 8 năm 1947, nhân dịp Hội nghị Thanh niên Việt Nam.

Trong bức thư này, Bác gọi thanh niên là: “Các bạn thanh niên yêu quý” và Bác chân thành góp mấy ý kiến để thanh niên thảo luận. Bác viết: “Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cho cái tương lai đó”.

 ...Vậy nên nhiệm vụ của các bạn là phải tìm đủ mọi cách để gây một phong trào thanh niên to lớn và mạnh mẽ.

 Theo ý tôi, muốn đạt được mục đích đó thì mỗi thanh niên, nhất là mỗi cán bộ phải kiên quyết làm bằng được những điều sau này:

 1. Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước (Tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc).

2. Các việc đáng làm thì có khó mấy cũng cố chịu quyết làm cho kỳ được.

3. Ham làm những việc ích quốc lợi dân, không ham địa vị và công danh phú quý.

4. Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc.

5. Quyết tâm làm gương về mặt: Siêng năng, tiết kiệm, trong sạch.

6. Chớ kiêu ngạo, tự mãn, tự túc. Nói ít làm nhiều, thân ái  đoàn kết.

 Như thế thì ai cũng phải yêu mến, kính phục thanh niên và phong trào thanh niên nhất định sẽ ăn sâu lan rộng.”

Sau khi nêu ra 06 điểm cần làm, quyết tâm làm, Bác Hồ còn ân cần dặn dò:

 “Tôi lại khuyên các bạn một điều nữa là chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai, nhưng không thực hiện được.

Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được”.

Đọc lại thư của Bác viết cách đây hơn 75 năm nhưng những lời Bác dạy vẫn còn sống mãi, thân thuộc như lời dạy của Cha, của chú, anh chị đồng nghiệp hàng ngày. Mặc dù là bức thư bác viết gửi thanh niên nhưng suy rộng ra chúng ta có thể nhận thấy được rằng những lời dạy của bác là cho tất cả cán bộ, công chức chúng ta.

Qua bức thư gửi thanh niên của Bác năm 1947, từ lời dạy của Bác tôi xin được phép rút ra cho mình những bài học như sau:

1. Tuổi trẻ khởi đầu cho một cuộc đời của con người. So với các giai đoạn khác trong đời người thì tuổi trẻ là giai đoạn đẹp nhất. Tuổi trẻ thường ôm ấp những lí tưởng, hoài bão lớn lao. Với tuổi trẻ, mọi khó khăn đều không đáng ngại. Ngược lại, khó khăn được coi như là những thử thách cần thiết cho ý chí, nghị lực và sáng tạo. Con người muốn tạo dựng sự nghiệp cho mình phải bắt đầu từ tuổi trẻ là tuổi dám nghĩ, dám làm và có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện những ước mơ. Chính vì tuổi trẻ có vai trò to lớn đối với một quốc gia, dân tộc như vậy nên Bác đã coi Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Chúng ta phải biết sử dụng tuổi trẻ sao cho có ích. Có ích cho bản thân, gia đình và đất nước. Muốn vậy, mỗi người phải phấn đấu, tu dưỡng không ngừng trong học tập và công tác. Trước hết, nên xác định cho mình một lí tưởng cao đẹp: phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Từ đó, định hướng cho mọi hành động trong suốt cuộc đời.

2. Phải thật sự trung thực, sống có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, người thân, với bạn bè, đồng chí, với Tổ quốc và Nhân dân. Tôn trọng chân lý, yêu cái đúng, ghét cái sai, tôn trọng sự thật, lẽ phải; sống ngay thẳng, thật thà, dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm, tự giác phấn đấu, rèn luyện đạo đức, tự phê bình, phê bình, cầu thị, sửa chữa khuyết điểm, mỗi hành động, việc làm phải “chí công vô tư”, phải thống nhất vì lợi ích chung của tập thể, của tổ chức, không mảy may lợi ích của cá nhân.

3. Tuổi trẻ chúng ta phải chấp nhận rằng sẽ có những lúc là sai sót, vấp ngã, nhưng không phải vì thế mà chúng ta trở nên tự ti, mặc cảm cũng không vì những sai sót đó mà sinh ra tâm lý “sợ sai”, không dám nhận trách nhiệm về phần mình mà chính những lần vấp ngã ấy chúng ta chúng ta sẽ có thêm cho mình những kinh nghiệm đáng quý để hoàn thiện bản thân mình hơn.

4. Đối với công việc được giao, qua lời dạy của Bác đã giúp cho tôi nhìn nhận rõ ràng hơn, ý thức được trách nhiệm của mình công tác tham mưu, đề xuất trong đó cần phải tập trung hơn nữa vào những việc làm cụ thể, những kế hoạch cụ thể, đem lại những lợi ích thiết thực hơn cho cơ quan, đơn vị và người dân.

NN.





Các tin khác:


Tìm kiếm