Thứ Tư,30/10/2024    |

Tuyên truyền kết quả 2 năm thực hiện chỉ thị 03/CT-TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị

Đóng

Học tập và làm theo Bác

Bác Hồ - Người khai sinh báo chí cách mạng Việt Nam 11/06/2014
        Hàng năm, cứ đến Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, chúng ta lại không khỏi bồi hồi nhớ tới vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại- Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam, người đã khai sáng nền báo chí cách mạng Việt Nam.
      Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trên 2000 bài báo từ bài viết đầu tiên, Quyền của các dân tộc thuộc địa trên Báo Nhân đạo của Pháp ngày 18-6-1919 đến bài báo cuối cùng, Thư trả lời tổng thống Mỹ trên Báo Nhân dân ngày 25-8-1969, tức chỉ một tuần trước ngày Bác đi xa. Hồ Chí Minh là người sáng lập và đồng sáng lập 9 tờ báo và tạp chí như: Le Paria (Người cùng khổ) in bằng tiếng Pháp ra số đầu tiên vào ngày 1-4-1922 tại Pari, Quốc tế Nông dân – 1924; Thanh niên – 1925, Công nông – 1925, Lính Kách mệnh- 1925, Thân ái- 1928, Tạp chí Đỏ, tiền thân của Tạp chí Cộng sản hiện nay- 1929, Việt Nam Độc lập – 1941, Cứu quốc – 1942. Năm 1925, cùng với việc thành lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc sáng lập tờ Báo Thanh niên. Với việc sáng lập Báo Thanh niên, Hồ Chí Minh đã chính thức khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, bởi tờ báo là trường học bồi dưỡng, tập hợp lực lượng cách mạng.
      Trong cuộc đời làm báo của mình, Hồ Chí Minh sử dụng trên dưới 150 bút danh, viết nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc với nhiều chủ đề đa dạng sinh động, văn phong độc đáo, gần gũi với mọi người. Bác là người chỉ đạo, cộng tác viên mật thiết cho các tờ báo của Đảng, đặc biệt là Báo Sự Thật – Nhân Dân hiện nay- cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Tổng cộng Bác đã viết và đăng tổng cộng 1.205 bài trên báo Nhân Dân kể từ số đầu tiên, ngày 11-3-1951. Hồ Chí Minh còn là cộng tác viên của nhiều tờ báo trên thế giới như Thiên Tân (Tờ báo của Mỹ xuất bản tại Bắc Kinh); Báo Yi Che Pao của Triều Tiên; Nhân Đạo, Đời sống thợ thuyền, Dân chúng của Pháp; Sự thật của Liên Xô cũ v.v…
     Là nhà báo vĩ đại, đồng thời Hồ Chí Minh cũng để lại cho đội ngũ các thế hệ nhà báo những bài học và kinh nghiệm quý báu từ chính cuộc đời làm báo của mình. Tháng 5-1949, trong thư gửi lớp viết báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng ở Việt Bắc, Người viết “Muốn viết báo khá thì cần: 1. Gần gũi quàn chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; 2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài mà học kinh nghiệm của người; 3. Khi viết xong bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; 4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ…”. Tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16-4-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “…Tất cả những người làm báo (…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng…phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng…; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”.
     Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Ngoài việc viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có nhiều bài viết về công việc viết báo nhằm chia sẻ kinh nghiệm với người làm báo. Nói chuyện tại Đại hội lần thứ III, Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8-9-1962, Người nói “Kinh nghiệm của tôi là thế này: mỗi khi viết một bài báo thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm”.
     Với 50 năm gắn bó và hoạt động trong lĩnh vực báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một di sản báo chí vô cùng đồ sộ, đồng thời cũng để lại một tấm gương cao đẹp về đạo đức nghề nghiệp. Người thực sự là một nhà báo vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
                                                                                      Theo dvhnn.org.vn
                                                                                           Sở Ngoại vụ (st)




Các tin khác:


Tìm kiếm