Thứ Hai,02/12/2024    |

Tuyên truyền kết quả 2 năm thực hiện chỉ thị 03/CT-TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị

Đóng

Học tập và làm theo Bác

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Thanh niên và công tác Đoàn 07/09/2016

Năm 1925 trong bài: “Gửi thanh niên An Nam” Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: "Hỡi Đông Dương đáng thương hại, người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của người không sớm hồi sinh". Khi truyền bá tư tưởng cách mạng vào trong nước, Hồ Chí Minh đã chọn đối tượng đầu tiên là thanh niên và tập hợp họ trong tổ chức "Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên" nhằm tập hợp thanh niên yêu nước giác ngộ cách mạng tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, Người đã nói với thanh niên: người ta thường nói thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên.

Từ quan điểm và nhận thức đó nên trong suốt thời kỳ lãnh đạo cách mạng Hồ Chí Minh đã phát huy được rộng khắp phong trào thi đua tích cực của thanh niên, xứng đáng với khẩu hiệu “đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.

Khi bàn về nhiệm vụ của thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Nhiệm vụ vẻ vang nhất của thanh niên là ra sức giúp Đảng xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Song muốn làm tròn được nhiệm vụ vẻ vang ấy, trước hết Người yêu cầu mỗi thanh niên phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trao đổi đạo đức của người cách mạng.

Theo Người, mỗi người thanh niên trước hết cần phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Người nói: "Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của dân tộc, của Đảng của cách mạng mà không ngần ngại hy sinh lợi ích cá nhân. Khi cần thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình cũng không thương tiếc. Đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng"

Nhưng muốn có được đạo đức cách mạng thì đòi hỏi mỗi thanh niên phải có sự phấn đấu không ngừng trong mọi hoạt động thực tiễn cách mạng. Người nói: "Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".

Song chỉ có đạo đức cách mạng thì chưa đủ, theo Người đã trở thành một người thanh niên tiên tiến thì cần phải có sự nỗ lực học tập không ngừng. Người nói: Thanh niên muốn làm người chủ trong lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra sức làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó. Ngay từ ngày khai trương đầu tiên sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Người đã căn dặn thế hệ trẻ: "Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong, chờ đời ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở lên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Người khuyên thanh niên phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội cũ hạn hệ mà số đông thanh niên ta ít được học và nay chúng ta muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Lê nin nói: Không học thì không thể trở thành người cộng sản". Thanh niên ta hiện nay cần phải học văn hóa, chính trị, kỹ thuật, cần phải học lý luận Mác-Lênin, kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày, học phải đi đôi với hành.

Từ đó Người căn dặn thanh niên: “Các cháu phải cố gắng học tập kỹ thuật và văn hóa, nếu không học tập văn hóa, không có trình độ văn hóa thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà, nhưng phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi"

Về chức năng, nhiệm vụ của Đoàn thanh niên, Hồ Chí Minh nêu rõ: "Đoàn thanh niên là cánh tay và đội hậu bị của đảng, là người phụ trách dắt dìu các cháu nhi đồng"

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, theo Người: Đoàn thanh niên cần phải thường xuyên củng cố tổ chức, nghiên cứu tìm ra nhiều hình thức và phương pháp thích hợp để đoàn kết và tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc. Người nói: "Tổ chức của đoàn phải rộng hơn Đảng". Phải được tổ chức một cách chặt chẽ từ Trung ương xuống các cơ sở.

Đoàn muốn củng cố và phát triển thì phải liên hệ rộng rãi với các tầng lớp thanh niên, phải quan tâm đến đời sống, công tác và học tập của thanh niên. Đồng thời, mọi đoàn viên phải gương mẫu giữ vững đạo đức cách mạng (khiêm tốn, cần cù, hăng hái, dũng cảm, không mắc tư tưởng kiêu ngạo, công thần, tự tư tự lợi), phải xung phong trong mọi công tác, cố gắng học tập chính trị văn hóa, nghề nghiệp để lôi cuốn quần chúng và để trở thành người cán bộ tốt.

Để Đoàn phát triển mạnh, Người yêu cầu lãnh đạo Đoàn cần phải chống cách lãnh đạo chung chung mà phải đi sâu đi sát điều tra nghiên cứu, cần phải khuyến khích thu góp bổ sung và phổ biến rộng rãi những sáng kiến hay, những kinh nghiệm tốt của quần chúng. Cần một chương trình hoạt động cụ thể thiết thực, lãnh đạo Đoàn phải đi sâu vào đời sống để hiểu rõ tâm lý của các tầng lớp thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết các vấn đề một cách cụ thể. Người luôn nhắc nhở Đoàn thanh niên và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam: "Nhiệm vụ của các bạn là phải tìm đủ mọi cách để gây một phong trào thanh niên to lớn và mạnh mẽ". Vì theo Người, các phong trào thi đua yêu nước to lớn đó là điều kiện để nảy nở ra nhiều thanh niên tích cực và tiên tiến, đó chính là tiền đề cho Đoàn phát triển mạnh mẽ và vững chắc, đồng thời huy động được tất cả trí tuệ và lực lượng của tuổi trẻ góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập đến trách nhiệm của các cấp ủy đảng đối với Đoàn thanh niên, Người nhắc nhở các cấp ủy Đảng phải coi “xây dựng Đoàn là bộ phận trọng yếu của xây dựng Đảng" và “Đảng cần phải giúp đỡ Đoàn thanh niên lao động phát triển tốt, đồng thời cần phải chọn những đồng chí đoàn viên đã kinh qua thử thách và đã đủ điều kiện đưa họ vào Đảng". Người luôn khách quan trong việc đánh giá thanh niên, người không đồng tình với những nhận thức không đúng, có phần phiến diện, chủ quan, hẹp hòi và thành kiến khi nhìn nhận đánh giá tuổi trẻ. Người luôn đặt thanh niên trong tư cách là một chủ thể đang phát triển và tiếp tục hoàn thiện. Vì thế, để nhìn nhận đánh giá thanh niên đúng phải có cái nhìn biện chứng, khách quan, gắn với tâm lý thanh niên và thời đại mà thanh niên đang sống. Do đó, Người nhắc nhở cán bộ và đảng viên lâu năm không nên có thái độ ích kỷ, gia trưởng đối với thế hệ trẻ, mà ngược lại cần đào tạo thanh niên cho họ làm việc hơn mình. Người nói: “Nếu thế hệ già không hơn thế hệ trẻ thì không tốt, thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt". Nhân đây Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải luôn “chăm lo dìu dắt thanh niên vì thanh niên chưa từng trải và thiếu kinh nghiệm". Người nghiêm khắc phê phán thái độ coi thường lớp trẻ, coi thanh niên là “bản sao" của bố, mẹ, ép buộc lớp trẻ vào trong khuôn mẫu của cha anh dần dần sự xa cách, không hiểu tâm lý, nguyện vọng khát khao của lớp trẻ. Trước khi đi xa, Người mong muốn toàn thể thanh niên ta đoàn kết "tay cầm cờ đỏ sao vàng", hăng hái tiến lên không ngừng để giúp sức xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất - độc lập dân chủ và giàu mạnh. Đồng thời Người cũng căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta cần phải quan tâm chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ vì tương lai của đất nước. Người viết: "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ trở thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên".

Thực tiễn cho thấy những quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên đến nay vẫn còn mang tính thời sự và có giá trị to lớn, là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân ta trong công tác vận động thanh niên.       

                                                                                                           (Nguồn: ĐCSVN)




Các tin khác:


Tìm kiếm