Thứ Sáu,19/04/2024    |

Các di tích lịch sử nằm trên địa bàn huyện Cần Đước

Đóng
ĐỒN RẠCH CÁT (ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) 16/03/2016
Đồn Rạch Cát là một pháo đài quân sự lớn vào bậc nhất Đông Dương được thực dân Pháp xây dựng ở bờ bắc vàm sông Rạch Cát. Từ năm 1903, Pháp bắt đầu xây dựng Đồn Rạch Cát và hoàn thành năm 1910. Sau đó, thực dân Pháp cho quân đóng với ý đồ lập nơi đây thành một căn cứ quân sự vì đây là một vị trí khá thuận lợi cho việc kiểm soát giao thông đường sông từ miền Tây lên Sài Gòn, kiểm soát 3 cửa sông lớn: Rạch Cát, Vàm Cỏ, Nhà Bè khống chế khu vực Cần Giờ - Vũng Tàu, tạo thế vững chắc trong chiến tranh. Đồn Rạch Cát là một pháo đài quân sự với tầm cỡ lớn nhất nhì ở nước ta. Đồn có thể chống lại tất cả các loại pháo hạng nặng và được trang bị trọng pháo lớn với mục đích phục vụ cho ý đồ chiến lược của chúng là xâm lược lâu dài đất nước ta, bảo vệ thuộc địa, bảo vệ cơ quan đầu não đóng tại Sài Gòn khỏi các thế lực muốn tranh giành Việt Nam.

Trong cách mạng tháng 8 năm 1945, lực lượng Thanh niên Tiền phong xã Long Hựu đã chiếm đồn Rạch Cát, đến tháng 11/1945 thì bị Pháp chiếm lại. Kể từ đó đến năm 1975, ở Đồn chỉ có một lực lượng nhỏ ngụy binh làm nhiệm vụ canh gác, ngoại trừ giai đoạn 1966-1968 là lúc Sư đoàn 9 của Mỹ và Sư đoàn 25 ngụy đóng chốt và xây dựng nơi đây thành một căn cứ quân sự lớn.
Bọn giặc đã dùng Đồn Rạch Cát làm nơi giam cầm, tra tấn các chiến sĩ cách mạng. Dòng máu quật cường của các đồng chí, đồng bào ta đã đổ xuống, đến nay vẫn còn lưu lại vết tích ở tường đồn. Không ít lần bộ đội địa phương Cần Đước đã tấn công và làm chủ đồn trong một thời gian. Lực lượng binh vận của ta cũng đã vận động ngụy binh ở đây lấy đi khoảng 2000 tấn chì, sắt, gang để phục vụ cho việc chế tạo vũ khí, đạn dược phục vụ bộ đội, du kích đánh giặc. Hiện tại đồn Rạch Cát được bộ chỉ huy quân sự tỉnh Long An quản lý.

Đây là một điển hình về kiến trúc quân sự kiểu pháo đài của Pháp, được ứng dụng một cách khoa học tại Việt Nam trên một vị trí chiến lược để phòng thủ vùng biển phía Đông Nam Sài Gòn. Sự ra đời của đồn đã phản ánh một thời kì lịch sử của dân tộc và âm mưu chiếm đóng lâu dài đất nước ta của thực dân Pháp. Nhiều sự kiện lịch sử đã diễn ra nơi đây kể từ đầu thế kỷ XX. Đó là những bằng chứng về tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, là gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng cùng những nỗi khổ đau mà nhân dân nơi đây gánh chịu khi phải đổ máu xương, sức lực để phục vụ ý đồ của bọn thống trị. Đồn còn là thước đo trình độ phát triển khoa học quân sự của người Pháp lúc bấy giờ qua việc xây dựng một pháo đài kiên cố trên vùng đất sình lầy ven biển.
Với những ý nghĩa ấy, đồn Rạch Cát đã được UBND tỉnh Long An xếp hạng di tích lịch sử tại Quyết định số 818/UB.QĐ, ngày 26/8/1992.




Các tin khác:


12

Tìm kiếm