Thứ Sáu,29/03/2024    |

Các di tích lịch sử nằm trên địa bàn thành phố Tân An

Đóng
ĐÌNH KHÁNH HẬU (KP Quyết Thắng 2, phường Khánh Hậu,TP Tân An, tỉnh Long An) 16/03/2016
Đình Khánh Hậu là đình làng thờ Thành hoàng bổn cảnh, xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Vì vậy, tên đình có sự thay đổi gắn liền với tên làng, xã. Khi thành lập đến trước năm 1917, đình thuộc làng Tường Khánh nên gọi là đình Tường Khánh. Sau năm 1917, thôn Tường Khánh và Nhơn Hậu xác nhập lại thành làng Khánh Hậu, đình có tên Khánh Hậu và tên gọi này tồn tại từ đó đến nay.
Là ngôi đình cổ ở Long An nói riêng và đất Nam bộ nói chung, ra đời trong quá trình khai cơ mở cõi, đánh dấu thời điểm khai phá vùng đất Khánh Hậu. Đình Khánh Hậu từ khi lập dựng đến nay là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng của cư dân nơi đây. Hiện nay, đình còn lưu 06 sắc phong thần của vua Thiệu Trị và Tự Đức phong tặng vào các năm 1845, 1850, sắc được viết trên giấy kim tiền, màu vàng có hình rồng, mây (long - vân) đây là hiện vật quý có niên đại nữa đầu thế kỷ XIX. Mỗi năm đình Khánh Hậu có 04 lễ gồm: Chạp miễu ức (cúng chiến sĩ) diễn ra vào ngày 15-16 tháng 12AL, Cầu an (Kỳ yên) diễn ra vào các ngày 15-16-17 tháng 12 AL, Hạ điền ( 16 tháng 6 AL), Thượng điền (cầu Bông) diễn ra vào ngày 16 tháng 10 AL.
Đình Khánh Hậu có kiến trúc gồm hai phần chính: ngôi chính và nhà tiền vãng.
Ngôi chính: được xây dựng theo hình chữ tam, với vật liệu cột chính bằng gỗ, vách bằng xi măng và lợp ngói âm dương, trên có đắp đề tài lưỡng long chầu nguyệt. Bên trong là Võ Ca có ba gian – nơi diễn hát bội và cúng thần, tiếp nối là chánh điện xung quanh có tường bao bọc – cửa chính ra vào và cửa phụ đều làm bằng gỗ, tất cả nội thất được trang trí thật trang trọng theo các chủ đề xưa. Chánh điện chỉ mở cửa khi có hội hè, hàng ngày muốn vào bên trong để thắp nhang, đốt đèn chỉ mở một cánh cửa nhỏ bên hông.
Ngôi phụ - nhà tiền vãng: được xây dựng bên trái ngôi chính điện theo kiểu kiến trúc Nhà rội (nọc ngựa) để thờ tự những người đi trước đã có công khai cơ mở cõi. Ngoài ra, nhà tiền vãng còn có bàn thờ Tiên sư – đây là bậc thầy dạy nghề cho dân chúng trong làng từ buổi đầu lập làng cho đến nay, kể cả nghề làm hương chức trong làng.
Ngoài hai kiến trúc chính nêu trên, trước đình Khánh Hậu còn có một tấm bia, mặt ngoài thờ Thần Hổ, mặt trong thờ Thần Nông và miếu thờ Thổ Thần, Sơn Thần.
Ngoài ra đây cũng là một địa điểm lịch sử trong cách mạng tháng 8/1945. Ngày 21/8/1945, đình là địa điểm xuất phát của lực lượng Thanh niên tiền phong đi cướp chính quyền, chiếm trụ sở làng, các cơ quan, trụ sở của địch và toàn bộ công sở, dinh cơ, trại lính, kho súng,…theo sự phân công của cấp trên.
Đình Khánh Hậu là chứng tích của quá trình khai hoang mở đất, lập làng của người dân Việt ở vùng đất phương Nam. Đây là một thiết chế làng xã và đối tượng thờ tự là Thành Hoàng và là nơi bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống. Là nơi lưu giữ những sắc thần của vua Thiệu Trị và Tự Đức sắc phong cho làng Tường Khánh – những cổ vật quý có giá trị lịch sử, nghiên cứu văn hóa phong kiến và Hán tự. Đình Khánh Hậu còn là địa điểm hoạt động của lực lượng Thanh niên Tiền phong ở Tân An trong cuộc khai phá giành chính quyền tháng 8 năm 1945 ở Tân An. Với những ý nghĩa lịch sử quan trọng đó Đình Khánh Hậu đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 3512/QĐ-UBND, ngày 2/12/2010.




Các tin khác:


1

Tìm kiếm