Thứ Hai,09/12/2024    |

Giới thiệu sách

Đóng
Cuốn sách ”Hồ Chí Minh – Hành Trình 79 Mùa Xuân 1890-1969” 21/10/2022

     Từ trước đến nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và qua mỗi lần xuất bản, “cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ của Người được tái hiện với nhiều tư liệu mới, nhiều khám phá giá trị”, giúp cho nhân dân ta và bạn bè quốc tế hiểu thêm về tư tưởng, lý luận, đạo đức, phong cách của một lãnh tụ “thể phách đã mất mà tinh anh muôn thuở vẫn còn”.

      Cuối năm 2009, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin cho ấn hành cuốn sách Hồ Chí Minh – hành trình 79 mùa Xuân do Đỗ Hoàng Linh biên soạn, nhân kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và cũng để thiết thực hưởng ứng đợt hai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đã góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu, tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

      Với 404 trang của cuốn sách, toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chủ tịch được tái hiện một cách vừa khái quát vừa cụ thể, qua các giai đoạn khác nhau: 1980-1911, 1911-1944, 1945-1946, 1946-1954, 1955-1968. Bên cạnh đó, cuốn sách đăng tải nhiều hình ảnh hoạt động, chân dung của Người trong các giai đoạn này, đồng thời, đăng tải bút tích bản Di chúc lịch sử mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

       Giai đoạn từ 1980-1911 là tuổi thơ và sự trưởng thành dần về nhận thức của Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành, đặc biệt là khi Nguyễn Tất Thành 21 tuổi. Giai đoạn này đã lý giải tại sao Nguyễn Tất Thành sớm có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc; sớm có ý chí đánh đuổi thực dân Pháp giải phóng đồng bào; và sớm xác định đúng đắn con đường cứu nước, cứu dân. Trang 19, 20 của cuốn sách kể lại: “Năm ấy mới 21 tuổi, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba. Một hôm anh Ba được một người bạn đưa đi xem đèn điện ở trước cửa tiệm cà phê của Pháp, xem chiếu bóng và máy nước. Những cái đó trước kia anh chưa hề thấy… Hai người bạn dắt nhau đi khắp thành phố, và tất cả những cảnh tượng của thành phố đầy rẫy những bất công ấy đập vào mắt họ. Đột nhiên anh Ba hỏi người bạn: “Anh Lê, anh có yêu nước không?”. Người bạn ngạc nhiên và đáp: “Tất nhiên là có chứ”. Anh Ba hỏi tiếp: “Anh có thể giữ bí mật được không?”, “Có”. “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào nước ta… Anh muốn đi với tôi không?”, “Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?”, “Đây, tiền đây”, anh Ba vừa nói vừa giơ hai bàn tay ra: “Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Thế anh cùng đi với tôi chứ?”… Văn Ba đã đi ra nước ngoài với hai bàn tay của mình, ý chí và nghị lực của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành thật là lớn lao. Anh tin hai bàn tay của mình, sức mình và lòng yêu nước của mình sẽ làm nên tất cả”. Ngày 5-6-1911, trên con tàu Latouche Treville, Nguyễn Tất Thành bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước.

         Giai đoạn 1911-1944, đây là giai đoạn Nguyễn Tất Thành lấy nhiều tên gọi khác nhau, trong đó có tên gọi Nguyễn Ái Quốc và ngày 13-8-1942, Nguyễn Ái Quốc lên đường sang Trung Quốc, lấy tên mới Hồ Chí Minh. Đây là giai đoạn Hồ Chí Minh tìm thấy con đường cách mạng đúng đắn và phấn đấu để thành lập đảng của giai cấp công nhân Việt Nam; từ nước ngoài, chỉ đạo cách mạng trong nước. Với suy nghĩ độc lập và nhạy cảm trước thời cuộc, ngay từ những năm đầu của tuổi thanh niên, Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Vì cho rằng, phải sang tận các nước châu Âu, không nên quanh quẩn mãi ở các nước phương Đông như bao người đã làm và đều thất bại, để hiểu rõ bọn đế quốc thực dân, để tìm xem nhân dân các nước đã chống lại chúng bằng cách gì, và sau khi xem xét họ làm như thế nào, sẽ “trở về giúp đồng bào ta”.

        Giai đoạn 1945-1946, 1946-1954: đây là giai đoạn Hồ Chủ tịch lãnh đạo toàn dân đấu tranh để giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.

       Giai đoạn 1955-1968, đây là giai đoạn Hồ Chủ tịch lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cuộc đấu tranh của toàn dân nhằm thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà; Hồ Chủ tịch lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta.

      Trong cuốn sách, có rất nhiều sự kiện, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh được kể lại qua những nhân chứng khác nhau, vào những thời điểm khác nhau, đem đến sự hấp dẫn cho người đọc.

      Trang 124, 125, đồng chí Vũ Anh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng kể lại: “… Đối với những ai mới quen biết Bác, chắc sẽ ngạc nhiên và không hiểu được tại sao Bác lại có thể thích nghi được một cách mau lẹ với mọi hoàn cảnh như vậy. Đối với chúng tôi, những người đã có dịp may mắn gần Bác trong một thời gian, chúng tôi hiểu rằng tất cả những cử chỉ và hành động của Bác lúc bấy giờ đều được Bác chuẩn bị từ trước. Ngay những khi đi công tác, đến những nơi nào có núi, sáng dậy bao giờ Bác cũng tập leo núi, có sông Bác tập bơi. Nơi nào không có núi, không có sông Bác tập chạy, tập vận động rồi về tắm.

     … Ngay hôm đầu tiên về nước, Bác đã bắt tay ngay vào công việc một cách bình thường. Thấy Bác làm việc có nề nếp, quy củ, anh em chúng tôi cứ nghĩ hình như Bác đã từng ở đây từ rất lâu.

        Công việc hàng ngày của Bác là nghiên cứu những tài liệu, nghị quyết của các đảng cộng sản anh em, đặc biệt là của Đảng Cộng sản Liên Xô, nghiên cứu những tài liệu và nghị quyết của Đảng ta, từ đó rút ra những kết luận, những nhận xét, kết hợp với thực tiễn đấu tranh của ta để đi tới những nhận định mới về đường lối chủ trương cho cách mạng Việt Nam. Cũng có khi Bác dịch tài liệu, dịch sách, dịch Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Liên Xô. Thỉnh thoảng chúng tôi mua được một tờ báo, Bác tranh thủ xem rất kỹ, chú ý đặc biệt đến những con số. Những chỗ quan trọng bao giờ Bác cũng gạch dưới và đánh dấu cẩn thận…”.

         Trang 351, 352 cuốn sách ghi: Trong 15 năm đứng đầu sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng sáng suốt đề ra đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ cách mạng: đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta chống lại các chiến lược của Mỹ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại chúng ở miền Bắc là một cuộc đụng đầu lịch sử. Trong cuộc chiến đấu gay go và ác liệt ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xử lý tài tình, sáng tạo mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược của hai miền; mối quan hệ giữa dân tộc và thời đại. Người đã chú trọng những nhân tố đảm bảo thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ cấy: xây dựng Đảng, Nhà nước vững mạnh, xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Động viên nhân dân thi đua yêu nước. Đồng thời tăng cường đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè khắp năm châu… đưa cuộc đấu tranh của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nâng địa vị và uy tín của dân tộc ta lên một tầm cao mới…”.

       Sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là tài sản tinh thần vô giá của các thế hệ người Việt Nam, luôn tỏa sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam tiến lên giành những thắng lợi vẻ vang và đang vững bước trên con đường đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tinh thần đoàn kết chiến đấu, tấm gương về đạo đức cách mạng: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, tinh thần quốc tế trong sáng…

       Thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với giai đoạn lịch sử vẻ vang nhất của cách mạng Việt Nam và với thời kỳ đấu tranh sôi nổi nhất của cách mạng thế giới. Hồ Chủ tịch là vị anh hùng dân tộc vĩ đại, lãnh tụ vô cùng kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc.

      Từ một chiến sĩ yêu nước chân chính, trở thành một chiến sĩ cộng sản vĩ đại, Hồ Chủ tịch đã đem ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin soi đường cho cách mạng Việt Nam, lãnh đạo toàn Đảng và toàn dân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử huy hoàng nhất của dân tộc, đưa nước nhà bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

          Người là tượng trưng của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý tưởng độc lập, tự do với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa; giữa chủ nghĩa yêu nước nồng nàn với tinh thần quốc tế vô sản. Người đã tiếp thu, phát huy những truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam và kết hợp những truyền thống ấy với tư tưởng cách mạng triệt để của thời đại ngày nay, tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Người đã sáng lập và lãnh đạo Đảng ta thành một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, sáng lập Mặt trận dân tộc thống hất, sáng lập lực lượng vũ trang nhân dân, sáng lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và phấn đấu không mệt mỏi để góp phần tăng cường đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người luôn luôn chăm lo rèn luyện cán bộ, đảng viên và không ngừng “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”.

        Cùng với Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch đã lãnh đạo hai cuộc cách mạng ở nước ta: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa; lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống đế quốc Mỹ; lãnh đạo nhân dân ta xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

        Hồ Chủ tịch là tấm gương chói lọi về tinh thần cách mạng triệt để, chí khí đấu tranh kiên cường, bất khuất, toàn tâm toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng; tận tụy, hy sinh, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng loài người, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

          Đức độ cao quý của Hồ Chủ tịch là trung với Đảng, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, chân thành, khiêm tốn, giản dị. Người thương yêu tha thiết nhân dân lao động; gần gũi quần chúng và tin tưởng tuyệt đối vào khả năng và sức mạnh của quần chúng nhân dân.

         Nội dung của cuốn sách gồm nhiều trang hồi ký xúc động, giúp chúng ta có thể hình dung một cách rõ nét hơn hành trình 79 mùa Xuân với nhiều gian nan, thử thách của Hồ Chí Minh và những đóng góp to lớn của Người trong thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đây là một công trình có giá trị lịch sử, có ý nghĩa lớn lao vì nó thực sự là một cuốn sử ghi chép lại các thông tin về thời gian, nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh diễn ra với các sự việc, lời nói, hành động, sinh hoạt, giao tiếp… của Người, giúp cho người đọc dễ nhận thức về Người, không chỉ từ góc độ một vị lãnh tụ qua những sự kiện lớn, mang tính chất bước ngoặt, mà còn được thấy hình ảnh bình dị, với những chuyện lớn, chuyện nhỏ trong cuộc sống của một con người. Nội dung cuốn sách còn khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của nước nhà, làm theo tấm gương Bác Hồ, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến, làm chủ cộng sống, trung với nước, hiếu với dân.





Các tin khác:


Tìm kiếm