Thứ Sáu,29/03/2024    |

Hoạt động Đoàn khối

Hoạt động về nguồn thực hiện phong trào Đoàn thanh niên năm 2022 tại khu lưu niệm Nữ Tướng Nguyễn Thị Định. 08/08/2022

Ngày 6/8/2022, Chi đoàn cơ sở Sở Tài chính phối hợp với Chi đoàn Khối kinh tế huyện Châu Thành tổ chức hoạt động về nguồn tại Khu lưu niệm Nữ Tướng Nguyễn Thị Định tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Tham gia cùng đoàn có đại diện lãnh đạo huyện đoàn, đoàn viên chi đoàn khối kinh tế huyện Châu Thành và chi đoàn cơ sở Sở Tài chính.
Nội dung hoạt động bao gồm: dâng hoa, dâng hương, nghe thuyết minh và tham quan Khu lưu niệm Nữ Tướng Nguyễn Thị Định.

Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định tọa lạc tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre quê hương của Nữ tướng cách trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 9 km. Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định là một trong những đia điểm du lịch Bến Tre rất ý nghĩa, đặc biệt với những ai yêu mến cô Ba và quan tâm đến lịch sử, con người Bến Tre.

Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định rộng gần 15.000 m2. Ngôi đền được xây dựng giản dị, với các hoa văn, họa tiết đẹp và trang trọng trong một khu vườn có nhiều cây cảnh và cây ăn trái tươi xanh, thoáng mát.

Cổng được xây dựng theo dạng cổng tam quan của đình làng nông thôn Việt Nam, trụ rào theo kiểu thức thống nhất của cổng có hoa văn trang trí ở phía trước; bên trong là nhà bia, đền thờ, nhà trưng bày, khuôn viên rộng rãi với nhiều hàng cây xanh tỏa bóng mát.

DSC-0048a-Enhanced

Đoàn viên, thanh niên chụp ảnh lưu niệm tại đền thờ Nguyễn Thị Định

Nơi “Đất thép thành đồng” sinh ra và gắn liền tên tuổi vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Người dân Bến Tre luôn kính trọng và trìu mến gọi vị Nữ tướng Nguyễn Thị Định với tên gọi thân thuộc “Cô Ba”.

Bà sinh ngày 13/2/1920 là con út trong gia đình có 10 người con ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Khi tròn 16 tuổi, bà bắt đầu tham gia cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và vận động quần chúng đấu tranh. Năm 1938, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1946, bà là thành viên trong đoàn cán bộ của Khu 8 vượt biển ra Bắc gặp Bác Hồ để báo cáo tình hình cách mạng miền Nam và xin chi viện vũ khí từ đó mở ra đã mở ra con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển, tiền thân của những đoàn tàu không số sau này.

Khi trở lại quê nhà, Cô Ba cùng Tỉnh ủy Bến Tre lãnh đạo nhân dân nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch tại ba xã Định Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp (huyện Mỏ Cày, nay là huyện Mỏ Cày Nam) đã làm nên phong trào Đồng Khởi vào ngày 17/01/1960, mở đầu cho cao trào đồng loạt nổi dậy trong toàn tỉnh và cả miền Nam lúc bấy giờ. Tên tuổi của bà gắn liền với phong trào Đồng Khởi Bến Tre, với “Đội quân tóc dài” làm cho quân thù khiếp sợ.

Hình ảnh Cô Ba Định với áo bà ba, khăn rằn, nón lá, chiếc túi nhỏ đeo vai đã trở thành niềm tin của quân, dân miền Nam và chị em hoạt động cách mạng cả nước.

Trong quá trình hoạt động, cô Ba Định đã nhiều lần bị địch bắt và tra tấn dã man. Thế nhưng, tinh thần chiến đấu của người con gái Bến Tre ấy vẫn kiên cường, một lòng chung thủy sắc son với cách mạng, dân tộc. Đến năm 1974, Cô Ba Định đã được phong hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, một nữ tướng uy nghi mà đôn hậu, oai phong mà đằm thắm chân tình. Vị nữ tướng đã từng được Bác Hồ khen ngợi: “Phó tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”.
DSC-0005-Enhanced
DSC-0009-Enhanced

Đoàn đến thắp hương tưởng nhớ và chụp ảnh lưu niệm tại gian thờ cô Ba Định



DSC-0045a-Enhanced

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại phòng trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu của Cô Ba

Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định là một trong những công trình đầy tự hào của người dân Bến Tre để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử cách mạng của tỉnh nhà, trở thành một điểm về nguồn không thể thiếu của khách gần xa mỗi khi du lịch Bến Tre.

Hàng năm, vào ngày 28/7 âm lịch là ngày giỗ của Cô Ba, ngoài sự có mặt của gia đình, người thân, bè bạn,… còn có cả du khách trong, ngoài tỉnh đến đây viếng đền Cô Ba rất đông và tham gia vào các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt giao lưu, nghe kể chuyện xưa bên các hiện vật cụ thể tại phòng trưng bày của Cô Ba./.





Các tin khác:


Tìm kiếm