Thứ Bảy,27/07/2024    |

Lịch sử

Đóng
NHỮNG QUYẾT ĐỊNH CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ TRƯỚC VÀ SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 30/08/2013

Trên đoạn đường dài kể từ ngày 2 tháng 9 năm 1945 cho đến nay, trên đất nước ta đã diễn ra biết bao sự kiện lịch sử trọng đại, nhưng ngày 2 tháng 9 hàng năm được chọn là ngày Quốc khánh vì nó mang ý nghĩa lịch sử trọng đại. Đó là ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hình ảnh lịch sử hàng vạn người đứng trong vườn hoa Ba Đình lắng nghe bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào tuyên bố nước Việt Nam độc lập trước quốc dân đồng bào và thế giới chắc khó thể phai mờ trong nhiều thế hệ người Việt Nam từ đó đến nay.

Để có được ngày lịch sử vẻ vang ấy, trước đó 15 năm, Đảng ta đã được thành lập và vạch ra con đường cách mạng, lãnh đạo đất nước từ “đêm dài nô lệ” tiến lên giành chính quyền từ tay thực dân, đế quốc và cũng chính là nhân tố quyết định đưa sự nghiệp cách mạng nước ta từ khi có Đảng đến hết giành thắng lợi này đến thắng lợi khác và ngày nay đang tiến tới mục tiêu đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Đó là chặng đường dài vẻ vang của lịch sử đất nước được ghi mốc son ngày 2 tháng 9 năm 1945 ngày tuyên bố độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhà nước chung của toàn thể dân tộc ra đời, là một bước nhảy vọt lịch sử trên con đường phát triển của dân tộc.

Có được ngày 2 tháng 9 năm 1945 lịch sử ấy, chúng ta cần khắc ghi những quyết định lịch sử của lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong những tháng năm lịch sử ấy.

Trước hết, phải kể đến quyết định xây dựng “Thủ đô kháng chiến” ở Tuyên Quang có đủ điều kiện an toàn và được sự đùm bọc, bảo vệ của nhân dân địa phương và quan trọng nữa là không quá xa Hà Nội để thuận lợi cho công tác lãnh đạo, điều hành kháng chiến. Khi xuất hiện tình thế cách mạng thuận lợi, phát xít Nhật cướp chính quyền từ tay thực dân Pháp và đến giữa tháng 8 năm 1945, phát xít Nhật đã tuyên bố đầu hàng đồng minh, tạo ra tình thế cách mạng trực tiếp ở nước ta. Tình thế cách mạng lúc này rất khẩn cấp vì quân đồng minh sắp kéo vào để giải giáp vũ khí quân đội Nhật chưa kể thực dân Pháp cũng đang ráo riết quay lại xâm lược Đông Dương.

Trước tình thế cách mạng khẩn cấp ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã kịp thời quyết định nhiều vấn đề trọng đại cấp bách. Đó là Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào từ ngày 13-15.8.1945 đã quyết định phát động cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc.

Ngay sau khi Hội nghị toàn quốc của Đảng vừa bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã tổ chức khai mạc Đại hội Quốc dân ở Tân trào vào 2 ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1945. Tham dự Đại hội có khoảng 60 đại biểu bao gồm đại diện các đảng phái yêu nước, các đoàn thể cứu quốc, các dân tộc ít người, tôn giáo có đại biểu từ Nam bộ, Nam Trung bộ và Việt kiều ở Lào và Thái Lan về dự Đại hội.

Đại hội Quốc dân ở Tân Trào đã thông qua 03 quyết định quan trọng:

Một là, tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo, giành lấy chính quyền từ tay phát xít Nhật và tiếp quân Đồng minh ở địa vị cầm quyền.

Hai là, thông qua 10 chính sách đối nội và đối ngoại, trong đó điểm đầu tiên là phải giành lấy chính quyền xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập.

Ba là, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm chủ tịch và Trần Huy Liệu làm phó chủ tịch. Ủy ban Dân tộc giải phóng có tính chất như một chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới thay mặt quốc dân để giao thiệp với nước ngoài và chủ trì mọi công việc trong nước. Đây là một sáng tạo độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trong bước khởi đầu xây dựng nhà nước pháp quyền của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc Việt Nam một thể chế nhà nước dân chủ mới của chung toàn thể dân tộc Việt Nam.

Sau khi cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng của nhân dân Việt Nam được thành lập trong cả nước. Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam đã về Hà nội.

Nhiều quyết định tiếp sau theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực hiện như:

Ủy ban Dân tộc giải phóng tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhiều ủy viên trong Việt Minh tự nguyện rút ra khỏi Chính phủ để bổ sung một số nhân sĩ cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề của quốc dân giao phó. Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là chính phủ quốc gia thống nhất, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của toàn quốc cho đến ngày bầu Quốc hội đầu tiên để thành lập một chính phủ dân chủ cộng hòa thống nhất.

Những quyết định quan trọng tiếp theo đó là biên soạn bản Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chủ tịch thực hiện và chọn ngày 02/9/1945 làm lễ ra mắt các thành viên chính phủ; Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với quốc dân, đồng bào và toàn thế giới Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ra đời.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã quyết định phải ban hành một Hiến pháp dân chủ theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có giá trị như một tuyên bố lập hiến.

Ngày 08/9/1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh 14/SL quy định sẽ mở tổng tuyển cử để bầu Quốc hội và quy định Quốc hội có toàn quyền ấn định Hiến pháp.

Ngày 20/9/1945, Sắc lệnh 34/SL ra đời thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm 07 thành viên do chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Ngày 17/10/1945, Chính phủ ban hành sắc lệnh số 51/SL quy định tổng tuyển cử bằng phổ thông đầu phiếu.

Ngày 06/1/1946, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên được tiến hành, nhiều nơi ở Nam bộ đã trở thành vùng có chiến sự, có máu của cán bộ và nhân dân đã đổ trong khi làm nhiệm vụ như Sài Gòn, Nha Trang, Mỹ Tho, Tân An, Cần Thơ, Tây Nguyên. Cuộc bầu cử đã diễn ra thắng lợi ở 71 tỉnh thành, có 89% cử tri tham gia đi bỏ phiếu, cả nước đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội.

Ngày 02/3/1946, Quốc hội họp kỳ thứ nhất tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội; và đã công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Quốc hội đã bầu Ban Thường trực gồm 15 ủy viên chính thức và 03 Ủy viên dự khuyết do ông Nguyễn Văn Tố làm trưởng ban và 02 phó trưởng ban là ông Phạm Văn Đồng và Cung Đình Quỳ.

Từ ngày 28/10-09/11/1946, tại Hà Nội, Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (Khóa I) đã thảo luận và thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa với 240/242 đại biểu dự họp tán thành.

Như vậy từ sau khi tổng khởi nghĩa giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều quyết định quan trọng, có ý nghĩa lịch sử đã được thực hiện, đáp ứng tình thế cách mạng trước khi đi vào công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đi đến thắng lợi hoàn toàn giải phóng đất nước và ngày nay đang tiến tới gần mục tiêu xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Suy ngẫm về lịch sử đất nước, lịch sử cách mạng do Đảng lãnh đạo; ở những thời điểm lịch sử có ý nghĩa trọng đại, người dân luôn mong muốn và tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Hiện nay, toàn Đảng đang tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là sự thể hiện quyết tâm của toàn Đảng để nâng cao vai trò lãnh đạo của mình, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, củng cố và nâng cao hơn nữa niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng./.

                                                                                         Chi đoàn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy




Các tin khác:


Tìm kiếm